Truyền thống đương đại và tinh thần sáng tạo trẻ trong hộp quà Tết

Ở Việt Nam, xu hướng đưa nghệ thuật truyền thống vào các sản phẩm đương đại đã có từ nhiều năm nay: từ hoạ tiết gốm lam trên tà áo dài; hộp trà, bình hoa, đồ sơn mài gia dụng cẩn đồng đến những thứ nhỏ bé như chiếc nút áo, bông tai hay một chiếc phong bao lì xì mừng tuổi năm mới. Tết cũng là một dịp để người ta tặng nhau các nông sản, đặc sản vùng miền tinh tuý nhất, gửi gắm nhau nhiều yêu thương bình dị và niềm tự hào quê hương. Nhưng làm sao để các món quà quê hương này được khoác “bộ áo mới” đầy tính thẩm mỹ, hợp gu hiện đại, mà vẫn gợi ra được tinh thần truyền thống, là điều không dễ dàng. Giỏ quà Tết cũng không nằm ngoài những sản phẩm được kỳ vọng với tiêu chuẩn cao, bởi Tết Nguyên Đán là một dịp quan trọng, gắn chặt với văn hoá truyền thống của người Việt.

Cảm nhận được nhu cầu văn hoá tinh thần này, năm 2016, Trà Quế Studio, một “gánh hàng xén” nhỏ bé giữa lòng Sài Gòn lần đầu tiên khởi xướng dự án quà Tết truyền thống. Các thiết kế của Trà Quế theo đuổi các giá trị và hình ảnh truyền thống, đề cao giá trị thủ công, kết hợp kỹ thuật truyền thống và thiết kế hiện đại.

Trà Quế đã thấy rằng các nông sản, đặc sản từ khắp ba miền đất nước không chỉ có giá trị, tiềm năng kinh tế, mà còn cả tâm huyết và sự tử tế. Đáng tiếc, các nông sản, đặc sản này chưa có được cho mình vẻ ngoài tương xứng, kém bắt mắt và lép vế so với các sản phẩm nhập ngoại, trong khi chất lượng không hề thua kém. Dự án quà Tết của Trà Quế ra đời với mục tiêu và sứ mệnh “khoác áo mới cho nông sản Việt Nam” để những sản phẩm này có được hình ảnh xứng tầm với giá trị mà chính nó chứa đựng, cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại khác trên thị trường.

Dự án quà Tết đã nhận được sự hưởng ứng từ cộng đồng kinh doanh lẫn cộng đồng sáng tạo, cùng với đó là sự quan tâm và mong muốn hợp tác từ nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng. Gần đây nhất Trà Quế đã lựa chọn Xôn Xao Studio phối hợp thực hiện bộ bao bì quà Tết 2022 với chủ đề “Vững chãi vàng son”. Xôn Xao Studio là một nhóm bạn trẻ cùng sinh năm 1997, đam mê nghệ thuật và thiết kế đồ hoạ ở Sài Gòn. Bên cạnh các dự án hợp tác và thương mại, Xôn Xao Studio đã có 02 triển lãm nghệ thuật cá nhân: Sợi Mắc Sợi Mành (2020) & Xôn Xao in Saigon (2021).

Người viết đã phỏng vấn ngắn Xôn xao về hành trình sáng tạo trong dự án này

Dự án thiết kế nhận diện cho bộ quà Tết Nhâm Dần 2022 đã được khởi xướng như thế nào vậy? Trên hành trình sáng tác, các bạn có nỗi sợ nào hay có định kiến gì trong việc sáng tạo từ chất liệu văn hoá nghệ thuật dân gian không?

Dự bắt đầu khi Trà Quế studio mang đến cho tụi em cái brief đầu tiên, ban sơ nhất về hình ảnh của một con hổ sau những khó khăn, vất vả, nó vẫn dũng mãnh bước về phía trước, khám phá hành trình tiếp theo. Sau khi nhận được chiếc brief này, Xôn Xao tụi em thấy hứng thú quá và bắt đầu đào sâu hơn với Trà Quế Studio. Cuối cùng ra hình ảnh của 03 con hổ với dáng đứng rất là mạnh mẽ.

Có hai điểm tụi em cảm thấy khó khăn trong sáng tác. Đó là, Việt Nam nằm trong những nước châu Á có phong tục truyền từ đời này sang đời khác, trong quá trình làm tụi em phải tìm hiểu rất nhiều để không phạm phải những giá trị truyền thống thuộc về quan niệm. Bình thường tụi em rất bay bổng nhưng đối với sản phẩm như hộp quà Tết, vừa hướng đến những đối tượng rộng rãi vừa muốn truyền tải thông điệp đến khách hàng lớn. Để họ hiểu được thông điệp của artwork (tác phẩm) thì tụi em phải cân nhắc xem khi nhìn vào artwork (tác phẩm) mọi người vẫn thấy nó đẹp và có tính nghệ thuật ở trong đó, đồng thời mọi người đều phải hiểu được thông điệp mà nó hướng tới.

Trong những yếu tố nghệ thuật truyền thống, các bạn lựa chọn sử dụng yếu tố truyền thống, thủ công bản địa nào cho dự án lần này?

Tụi em tìm tòi và quyết định cùng với Traqué Studio sẽ thực hiện artwork (tác phẩm) lấy cảm hứng từ tranh sơn mài. Chất liệu sơn mài không chỉ rất truyền thống mà bản thân nó cũng mang đến sự uy nghi, đáng tôn kính và xứng đáng đặt ở vị trí thiêng liêng trong gia đình.

Ban đầu khi nhận brief, tụi em nhận thấy tranh sơn mài quá công phu, phải trải qua nhiều công đoạn từ chất liệu và từ bàn tay của người nghệ nhân thì mới có thể tạo ra chất của bức tranh sơn mài. Nhưng như hồi nãy có chia sẻ thì 02 cái khó khăn nhất của tụi em chính là phải cân bằng được chuyện đưa nghệ thuật vào trong sản phẩm hộp quà Tết. Vì vậy tụi em chọn cách chỉ lấy cảm hứng từ cảm xúc của các bức tranh sơn mài và tụi em hy vọng có thể lột tả được một phần trong những yếu tố có trong đó.

Tông màu mà tụi em chọn rất gần với tranh sơn mài, đó là những màu rất nóng. Ngay cả đường nét tụi em cũng cố gắng cho nó mềm hơn ở các chi tiết để khơi gợi về dòng tranh sơn mài. Để khai thác được trọn vẹn tinh thần của bức tranh sơn mài thì thực ra phiên bản digital rất khó để thể hiện. Em hy vọng có một ngày nào đó được thực hiện phiên bản hộp quà Tết từ chất liệu sơn mài thực sự thì tụi em sẽ nghiên cứu và tiếp tục phát triển dự án này.

Cảm ơn hai bạn với những chia sẻ rất chân thành!

Comments (506)

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *