Họa sĩ Bùi Ngân: “Không khoe tranh thì tôi vẫn đang vẽ thôi!”

Bùi Ngân không thể tưởng tượng được một ngày không cầm cọ. Đối với chị, hội họa là nền tảng tạo nên con người của hiện tại, là nơi chị có thể đối diện với những cảm xúc chân thật nhất, thể hiện những suy nghĩ riêng tư xoay quanh phụ nữ và tính nữ.

Em Thư và bình hoa ngọc hân

“Em Thư và bình hoa ngọc hân” là tác phẩm tham gia dự án đấu giá NỞ by L’OFFICIEL của Bùi Ngân. Trong đó, họa sĩ lựa chọn thể hiện tính nữ qua một bé gái thay vì đối tượng phụ nữ trưởng thành. “‘Tính nữ’ đối với mình không phân biệt xu hướng giới, và nói về ‘tính nữ’ ở phụ nữ thì lại càng không phân biệt tuổi tác vì ở mỗi thời điểm, người phụ nữ đều đẹp và tỏa rạng theo một cách riêng.”

Xin chào họa sĩ Bùi Ngân, điều gì đã mang chị đến với triển lãm NỞ?

Chủ đề xuyên suốt của NỞ hướng tới phụ nữ và tôn vinh vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại. Trong khi đó, phụ nữ và “tính nữ” luôn là một trong những đề tài truyền cảm hứng nhiều nhất cho mình, cả trong cuộc sống lẫn trong sáng tác. Vậy nên mình hào hứng nhận lời mời tham gia. Thật vui khi vai trò của phụ nữ ngày càng được đề cao hơn và bản thân có thể đóng góp một chút cho điều đó thông qua tác phẩm lần này.

Chị có thể giải thích thêm về bức tranh “Em Thư và bình hoa ngọc hân”? Có điểm gì đặc biệt ở bình hoa ngọc hân, hay ở hành động ăn sáng của bé gái?

Bức tranh vẽ lại cảnh thực tế của em bé Thư. Trong một chuyến cắm trại ở B’Lao – Bảo Lộc mình đã có cơ hội gặp gia đình em. Ngọc hân là một trong số rất nhiều cây được trồng trong sân nhà Thư. Sáng sớm hôm ấy bầu trời ở thành phố Bảo Lộc còn chưa tan sương, mọi người cắm hoa, chuẩn bị đồ ăn nhẹ và cùng nhau ăn sáng trước khi nắng lên cao giữa rừng B’Lao.

Chị đã đến với nghệ thuật như thế nào? Điều gì khiến chị gắn bó với digital art?

Trước khi gắn bó với digital art như hiện tại, mình có thử qua vài chất liệu khác, lối đi khác. mình nghĩ đây cũng là hành trình chung của nhiều bạn trẻ làm nghệ thuật. Mình vẫn song song sử dụng các chất liệu khác như màu nước, acrylic, mực… cũng để bổ trợ cho công việc. Tuy nhiên với một đứa thích dịch chuyển như mình thì digital luôn lợi hại hơn. 

Phần lớn triển lãm “Bịt mắt bắt cừu” cũng như bức tranh “Em Thư và bình hoa ngọc hân” đều là digital art được in trên đa dạng chất liệu. Còn việc sáng tác trên giấy thật, chị đã bao giờ thử chưa? Hai hình thức này đối với chị, bằng cảm quan của người nghệ sĩ, khác nhau như thế nào?

Mình có sáng tác trên giấy dó, canvas… Cá nhân mình thấy trải nghiệm với digital art, máy móc luôn không “ sướng “ bằng vẽ tay, cầm cọ, nhúng màu ướt nhẹp, và chạm vào lớp giấy thật, giống như được sử dụng nhiều giác quan cùng một lúc.

Tuy nhiên không phải vì vậy mà vẽ digital không thể đẩy tác phẩm chạm tới cảm xúc cho người xem dù là xem trên màn hình kĩ thuật số hay in ra. Lựa chọn chất liệu in cũng là một cách mà các nghệ sĩ digital cân nhắc khi in tác phẩm để bản in gây hiệu ứng thị giác và truyền tải được tinh thần của bản vẽ tốt nhất.

Thay đổi lớn nhất trong quan điểm nghệ thuật của chị kể từ triển lãm “Bịt mắt bắt cừu”? Thay đổi đó được thể hiện như thế nào qua tác phẩm tham gia NỞ lần này?

“Bịt mắt bắt cừu,” theo mình đánh giá, dù không quá phô trương nhưng tương tác truyền thông tốt, và dư âm vẫn còn sau 2 năm. Nhưng sau đó mình nhận ra nhiều lỗ hổng ở bản thân, ở kỹ năng chuyên môn cần trau dồi nhiều hơn nữa.

Bức tranh “Em Thư và bình hoa ngọc hân” thực chất mình vẽ trước khi làm “ Bịt mắt bắt cừu.” Tuy nhiên từ đó đến nay mình lại nhìn lại tác phẩm với quan điểm khác. Về mặt hình ảnh thị giác thì vẫn vậy, khác nhiều nhất là ở việc mình không tham vọng muốn nhiều người nhanh chóng biết đến mình nữa. Mình đang từ tốn học hỏi hơn và từ đó nâng chất lượng dự án mình tham gia. Việc mình tham gia Nở lần này cũng là minh chứng cho sự thay đổi đó.

Nếu so sánh hình ảnh “cừu” với bản ngã cá nhân, đến nay chị đã tìm thấy chú cừu của mình chưa? Chị sẽ miêu tả chú cừu ấy như thế nào?

Chắc là một “bé cừu” nhút nhát, có phần mong manh dễ vỡ và đôi khi hơi dè chừng sợ tổn thương, được bao bọc, bảo vệ bởi lớp lông dày. Mình đã tìm thấy và vẫn quan sát, vỗ về “con cừu” này, không quên quan sát chính mình và mong muốn mình thay đổi tốt hơn từng ngày.

Mình từng là tuýp thà bỏ lỡ còn hơn phải chủ động, bây giờ thì biết chủ động đúng lúc hơn, bởi nếu mình cứ bỏ lỡ hoài thì đâu đó sẽ mất nhiều điều tốt đẹp, cũng thoải mái thể hiện bản thân hơn.

Màu sắc trong tranh của chị tuy phong phú nhưng cũng mang vẻ trầm tĩnh chứ không hẳn tươi sáng hay vui vẻ. Không biết điều này có đúng không? Và có phải đây là tâm tư, tính cách cá nhân của người nghệ sĩ?

Mình thích quan sát, đi chơi, đọc và chiêm nghiệm mọi thứ xung quanh.

Mình hay trò chuyện với người lớn (lớn về suy nghĩ và cái nhìn), người già và nghe nhiều câu chuyện về công việc, sự nghiệp, cuộc sống, tình yêu… Mình thích cách người ta sau khi trải qua bao điều thì lại nhìn cuộc sống nhẹ nhàng, xuôi dòng, biết yêu thương và cho đi, mà cũng không kém phần thực tế. Từ đó mình học được cách cuộc sống vận hành đa chiều và đa sắc màu như thế nào.

Nên dù không cố tình, mình đã đem bài học đó vào tác phẩm. Tranh, đối với mình không chỉ là vật trang trí đẹp đẽ, mà nên khiến người ta dừng lại một chút, nhìn ngắm, thư giãn thay vì lướt qua. Nhưng dù sao thì cũng cứ phải đẹp trước đã (cười).

Vẽ tranh chủ yếu về phụ nữ, trẻ em và văn hóa, chị cảm thấy đâu là những điểm chạm đến mình nhất để cho ra đời một tác phẩm?

Sự chân thật là điểm chạm của mình trong sáng tác. Chỉ cần chân thật với bản thân thì tác phẩm sẽ là chính mình. Mấy chuyện như xử lí kĩ thuật vẽ, hoạch định thời gian… chỉ là phụ. 

Tuy nhiên khi đã ấn định bản thân vào 1 đề tài, duy trì được cảm xúc chân thật với mình là không dễ. Chân thật ở đây thì còn tùy tính cách mỗi người. Đối với mình, sự chân thật còn được tạo ra từ mấy vấn đề nghe có vẻ không liên quan, như chế độ ăn chẳng hạn, nhưng nó giúp cảm xúc lành mạnh hơn.

Giữa 3 chủ đề: phụ nữ, trẻ em và văn hoá thì văn hoá lại cần nhiều yếu tố khác ngoài cảm xúc nhất, vì giống như làm văn hoá vậy, người họa sĩ phải nghiên cứu nhiều. 

Đối với họa sĩ Bùi Ngân, sáng tạo nghệ thuật đóng vai trò như thế nào trong cuộc sống? Nếu như không cầm cọ, không vẽ ra, cuộc sống của chị sẽ như thế nào?

Chắc chắn sẽ không có ngày mình không còn cầm cọ, chỉ là có khoe tranh ra hay không thôi. Vẽ không phải sở thích và mục tiêu duy nhất của mình nhưng vẽ là nền tảng để mình có những gì ở hiện tại và chắc chắn vẫn sẽ duy trì, phát triển nó trong tương lai gần. Mình là đứa nửa lí trí, nửa tình cảm nên trước khi làm một điều gì, dù thoạt nhìn có cảm tính, mình vẫn dự trù nhiều kế hoạch và kịch bản cho điều đó rồi. Nên nếu một ngày không ai gọi mình là hoạ sĩ, đó cũng sẽ là một lựa chọn chủ động, và bản thân mình sẽ hoàn toàn hài lòng với điều đấy.

Mình vẫn đang học và cho mình trải nghiệm nhiều thứ bên cạnh hội họa. Nhưng chắc chắn một lúc mình không khoe tranh thì vẫn đang vẽ thôi.

Chị có thể chia sẻ về những dự định tiếp theo trong tương lai không? Một buổi triển lãm thứ hai của sự nghiệp chẳng hạn? 

Dự định gần nhất của mình vẫn là học hỏi. Dĩ nhiên việc này phải duy trì tới cuối đời, nhưng đây là ưu tiên của mình hiện tại dù là trong công việc. Thời gian này mình làm dự án hợp tác nhiều hơn là sáng tác và cũng mong chờ một triển lãm hoặc dự án thứ 2 khi đến thời điểm thích hợp.

Xin cảm ơn họa sĩ Bùi Ngân vì những chia sẻ này. Tôi rất hứng thú với những dự án nghệ thuật trong tương lai của chị!

Comments (276)

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *